Chào mừng bạn đã ghé thăm Tôi Thích Blog, chắc chắn bạn đang trên hành trình theo đuổi mục tiêu xây dựng Blog bền vững trên môi trường internet rồi đúng không?. Hẳn rồi, thế nên bạn mới nhấp vào bài viết và đang đọc những dòng chữ này.
Để Blog tồn tại được và ngày càng phát triển cần có những nỗ lực và đánh đổi nhiều. Sự thật là vậy. Và việc xác định được thị trường mục tiêu mà Blog của bạn hướng đến là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển, và mang lại những kết quả nhất định.
Tại sao Điệp lại nói như vậy? Có một cơ duyên nào đó những người nhắn tin hỏi Điệp về Blog, về SEO phần lớn là những người mới, những bạn vừa mới ra trường. Các bạn ấy khát khao muốn tự mình xây dựng được một blog, hay một website nho nhỏ để có thể xây dựng thương hiệu, để bán hàng, để kiếm tiền online.
Nhưng sau khi trò chuyện, Điệp nhận ra: Phần lớn những người nhắn tin hỏi Điệp chỉ muốn một cách mơ hồ thôi, chưa biết cách và cũng chưa trả lời được câu hỏi: Blog của em nhắm đến thị trường nào, đối tượng nào?.
Đó, lan man là vậy. Điệp chỉ muốn kể lại một chút về bối cảnh trước khi chúng ta bắt đầu làm quen với các khái niệm thị trường hay thị trường mục tiêu là gì. Bây giờ, chúng ta cùng bắt đầu đồng hành với nhau tìm hiểu về chúng nhé.
Xem nhanh nội dung chính
I. Thị trường mục tiêu là gì?
Theo Wikipedia, thị trường mục tiêu là một nhóm người tiêu dùng mà doanh nghiệp hướng các nỗ lực tiếp thị và nguồn hàng hóa đến. Một thị trường mục tiêu rõ ràng là yếu tố quyết định trong chiến lược tiếp thị. Sản phẩm (product), giá cả (price), chiêu thị (promotion) và phân phối (place) là bốn yếu tố quan trọng trong chiến lược tiếp thị (marketing) hỗn hợp – quyết định sự thành công của một sản phẩm hoặc dịch vụ trên thị trường.
Hoặc bạn cũng có thể hiểu đơn giản như sau: Thị trường mục tiêu là phần bao gồm những khách hàng tiềm năng của một doanh nghiệp/ tổ chức nào đó. Và để có thể chiếm được thị trường mục tiêu đó, tổ chức đó cần phải thực hiện các chiến lược khác nhau nhằm gây sự chú ý, thu hút tệp đối tượng này. Không những thế còn cần phải đáp ứng được nhu cầu và khiến cho họ trở thành những khách hàng trung thành
II. Có bao nhiêu loại thị trường mục tiêu?
Dựa vào phân khúc thị trường thì có thể chia thành các thị trường mục tiêu như sau:
- Địa lý – địa chỉ (Dựa vào đất nước, địa điểm hay khí hậu của thị trường mục tiêu).
- Sự phân khúc về kinh tế xã hội và nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi, mức thu nhập, nghề nghiệp, hay trình độ giáo dục.
- Sự phân khúc về tâm lý tiêu dùng (thái độ, lối sống hay giá trị của thị trường mục tiêu).
- Sự phân khúc về hành vi tiêu dùng (dịp mua, mức độ trung thành, lợi ích khi mua hàng, mức sử dụng).
- Sự phân khúc liên quan đến sản phẩm (mối quan hệ của thị trường mục tiêu đối với một sản phẩm nào đó).
III. Khi xây dựng Blog có cần thiết phải xác định thị trường mục tiêu không?
Có thể nói rằng việc xác định được thị trường mục tiêu giống như việc chúng ta xác định được khi đến ngã tư đường chúng ta cần rẽ phải, rẽ trái hay đi thẳng vậy. Nếu bản thân người làm Blog không xác định được điểm nào ta cần đến thì có lẽ mọi thứ vô nghĩa. Nếu không xác định được đích cần nhắm thì chúng ta sẽ phải mất một thời gian luẩn quẩn không có lối đi rõ ràng đó.
Dưới góc nhìn của Điệp thì việc xác định thị trường mục tiêu trước và trong suốt quá trình xây dựng Blog, website là điều quan trọng. Bởi chúng có những vai trò sau đây:
- Khi xác định được nhóm khách hàng mà chúng ta muốn nhắm đến thì bạn có thể dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận ra những vấn đề, những thắc mắc hay những trăn trở mà họ đang gặp phải. Từ đó, bạn có thể đưa ra những gợi ý hoặc giải pháp giúp họ giải quyết được những vấn đề đó.
- Khi xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu, bạn sẽ tập trung được nguồn lực trong việc tiếp thị cũng như kết nối với nhóm đối tượng đó. Thay vì dàn trải, lan man, tốn thời gian và nguồn lực. Điều này cực kỳ quan trọng với những bạn mới. Bởi phần lớn, những bạn mới bắt đầu có nguồn lực khá hạn chế.
- Đưa ra được những giải pháp phù hợp và không ngừng cải thiện để giải pháp đó được tốt hơn. Khi chúng ta xác định được tệp thị trường mục tiêu chúng ta sẽ có cơ hội thấu hiểu họ hơn. Từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp và tốt hơn cho họ.
Ngoài ra, khi xác định được thị trường mục tiêu mà Blog muốn nhắm đến thì cũng sẽ giúp chúng ta xác định được đối thủ cạnh tranh, phân tích thị trường. Từ đó sẽ có được những kế hoạch lâu dài để phát triển cho Blog sau này.
IV. Làm sao để lựa chọn được thị trường mục tiêu?
Việc xác định được thị trường mục tiêu cần nhắm đến là hết sức quan trọng đối với việc viết blog kiếm tiền online. Vậy rốt cuộc: phải làm sao để xác định được đây?. Dưới đây Điệp sẽ gợi ý đến bạn vài bước, bạn có thể tham khảo và áp dụng ngay nhé.
Bước 1: Quan sát, đo lường, và dự báo nhu cầu
Bạn có thể quan sát thị trường, hoặc quan sát những biến thiên của ngành hàng hay lĩnh vực mà bạn đang muốn nhắm đến. Bạn cũng nên quan sát các yếu tố bên ngoài tác động đến sự phát triển của ngành hàng đó, chẳng hạn như các chính sách, quy định hoặc sự thay đổi của môi trường.
Tiếp đến là đo lường và dự báo. Bạn có thể sử dụng những công cụ hỗ trợ nghiên cứu để làm điều này. Hoặc tham khảo số liệu từ các ngành hàng mà bạn đang quan tâm. Bạn cũng nên quan tâm đến xu hướng của người tiêu dùng hiện nay, tình hình cạnh tranh của thị trường đó như thế nào,…
Đặc biệt, bạn cũng nên quan tâm xem: Liệu trong tương lai ngành hàng mà bạn đang muốn nhắm đến có nhu cầu hay không?. Nó sẽ tăng hoặc giảm?. Vì điều này nó có ảnh hưởng đặc biệt đến việc mở rộng quy mô sau này của Blog.
Bước 2: Phân khúc thị trường
Tại sao cần phân khúc? Bởi trong thị trường mục tiêu rộng lớn sẽ lại có những nhóm đối tượng khác nhau và mỗi nhóm sẽ có những mong muốn khác nhau. Vì thế, bạn cần phân nhóm để ghi nhớ, phân tích và làm rõ sự khác nhau giữa họ. Từ đó thấu hiểu họ hơn, cũng như cung cấp nội dung hay cung cấp sản phẩm phù hợp với họ.
Bước 3: Lựa chọn thị trường mục tiêu
Từ bước phân đoạn trên, dựa vào tiềm lực cũng như hiện trạng khác của bạn thì bạn có thể quyết định nên lựa chọn một hay nhiều tệp thị trường mục tiêu đó.
Thông thường, với những người mới và tiềm lực chưa nhiều thì Điệp khuyên bạn nên chọn một ngách trước. Sau khi đã thành công trong 1 thị trường ngách tiềm năng đó rồi thì bạn có thể mở rộng bằng cách phát triển theo chiều ngang hoặc chiều dọc tùy vào kế hoạch của bạn.
Bước 4: Định vị thị trường (Market Positioning)
Tại đây, bạn cần định vị thị trường để xem liệu các sản phẩm hay dịch vụ của bạn có những lợi thế nào so với đối thủ cạnh tranh. Để từ đó xây dựng được các chiến lược marketing hiệu quả.
Bạn cũng cần phải xác định được vị trí mà thương hiệu của bạn so với các đối thủ cạnh tranh. Bạn khác họ điểm gì không, bạn có lợi thế gì không, và những sản phẩm mà bạn sắp cung cấp có giúp cho khách hàng mục tiêu được hài lòng.
Như vậy, ở bài viết này Điệp đã chia sẻ với bạn về thị trường mục tiêu. Chúc bạn sớm xác định được thị trường mục tiêu của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc thêm nhiều chia sẻ về Blog, về SEO tại https://toithichblog.com/ nhé.
Nếu bạn có những góc nhìn, hay trải nghiệm khác hãy để lại bình luận phía bên dưới bài viết để mọi người cùng được biết đến nhé. Điệp rất mong một ngày nào đó không xa Điệp sẽ được nghe bạn kể về hành trình của mình.
Xin chào đằng ấy, cảm ơn bạn đã ghé thăm Blog của mình. Mình là Vi Điệp, thích viết lách, đọc sách, ưa dịch chuyển. Mình cũng đam mê khám phá những màu sắc trong thế giới của Blog, MMO, Digital Marketing. Hãy ghé thăm Blog của mình thường xuyên để được đọc thông tin thú vị nhé.
Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích, hãy mời Điệp một tách cafe online tại đây nhé