Chào mừng bạn đã ghé thăm bài viết này. Có lẽ, bây giờ ngay trong khoảng thời gian mới bắt đầu, bạn đang cần mẫn đọc những tài liệu về SEO là gì, về cách seo website hiệu quả. Nếu thế, bài viết này chính là dành cho bạn.
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ về:
- SEO Google là gì
- SEO có vai trò gì?
- Cách, quy trình SEO web hiệu quả?
Nào, chúng ta cùng bắt đầu hành trình khám phá về vùng đất của SEO nhé.
Xem nhanh nội dung chính
I. Seo có nghĩa là gì?
SEO là từ viết tắt của một cụm từ tiếng Anh Search Engine Optimization (có nghĩa rằng: tối ưu hóa công cụ tìm kiếm). SEO là quy trình tối ưu Blog/website cả bên trong lẫn bên ngoài để nâng cao thứ hạng của website đó trên công cụ tìm kiếm.
Khi xuất hiện ở thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm, sẽ giúp cho người dùng dễ dàng nhìn thấy và nhấp vào đọc bài viết tin tức, tiếp cận sản phẩm, dịch vụ dễ dàng hơn.
Những người viết blog kiếm tiền hoặc những người làm SEO, luôn không ngừng nỗ lực tối ưu để có được vị trí TOP trong kết quả tìm kiếm. Thông thường là vị trí số 1 đến số 10 trong trang 1 của Google. Và tất nhiên rồi, TOP 0, TOP 1 luôn là khát khao của nhiều người, mình cũng vậy. Phải thừa nhận là vậy.
II. SEO có vai trò gì?
Ngày nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, internet dường như trở thành nơi lưu giữ những thông tin cần thiết. Con người cũng dễ dàng kết nối, làm việc với nhau không màng khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, quốc gia,…
Chính những điều này đã khiến hành vi của người dùng, hay hành vi mua hàng có những thay đổi rất nhiều. Nếu trước kia, người ta thường mua hàng trực tiếp ở các điểm bán, siêu thị, tạp hóa, cửa hàng thì giờ đây đặc biệt là thế hệ trẻ có xu hướng mua hàng qua internet nhiều hơn.
Hòa cùng với xu thế của thời đại này, SEO có vai trò hết sức quan trọng:
- SEO giúp gia tăng được việc tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng
- SEO giúp gia tăng việc nhận diện, phủ thương hiệu đến người dùng
- SEO là khoản đầu tư dài hạn, giúp tối ưu chi phí tìm kiếm khách hàng
Dưới đây, mình sẽ diễn giải chi tiết hơn để những bạn mới có thể có góc nhìn rõ ràng hơn.
2.1. SEO giúp gia tăng được việc tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng
Ngày nay, bạn, tôi và cả rất nhiều những người khác nữa đều có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin ở các công cụ tìm kiếm. Đó có thể là Google, CocCoc, Big,…
Đã có khi nào bạn định mua gì đó, và bạn lên Google tìm kiếm và kéo đọc hết tất cả những thông tin về thương hiệu, về giá cả của sản phẩm đó ở trên Google. Đọc nhiều bạn sắp hiểu hết về thương hiệu đó: rằng nó được sản xuất ở đâu, do ai nghiên cứu, nên dùng không,…
Và có bao giờ bạn nghĩ: những người khác, các khách hàng tiềm năng của bạn cũng vậy. Và nếu như Blog/website của bạn không xuất hiện trên TOP của kết quả tìm kiếm thì chắc chắn bạn đã để tuột mất một lượng khách hàng tiềm năng cực kỳ lớn.
2.2. SEO giúp gia tăng việc nhận diện, phủ thương hiệu đến người dùng
Nếu trong kinh doanh truyền thống xưa kia, chỉ cần một cửa hàng ở vị trí đắc địa là có thể có được những khách hàng tiềm năng lớn.
Tuy nhiên, như mình vừa diễn giải ở phần trên, với sự thay đổi về hành vi người dùng, về xu hướng của thời đại người dùng có xu hướng quan tâm đến thông tin thương hiệu, thông tin nguồn gốc, và rất nhiều thứ khác thông qua công cụ tìm kiếm trước khi quyết định mua hàng.
Lần gần đây nhất, trước khi quyết định mua một món đồ gia dụng thông minh, hay mỹ phẩm mới tinh bạn đã gõ tìm kiếm và đọc những thông tin gì trên Google?. Thử một lần thành thật coi nào?. Mình trước nhé, mình sẽ check xem thương hiệu đó của nước nào, ra đời lâu chưa, liệu đắp lên mặt có dị ứng không,….
Trước những vấn đề đó, việc SEO Blog/website của bạn lên TOP công cụ tìm kiếm sẽ giúp bạn dễ dàng để người dùng biết đến, nhớ về thương hiệu của bạn nhiều hơn. Lâu dần, có thể họ sẽ yêu mến, và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn.
2.3. SEO là khoản đầu tư dài hạn, giúp tối ưu chi phí tìm kiếm khách hàng
SEO là khoản đầu tư dài hạn. Chính xác là vậy, nếu như bạn đã đọc chia sẻ từ những anh chị đi trước, hay bạn đã từng làm một dự án SEO nào đó bạn sẽ thấm điều này hơn bao giờ hết.
Nếu như với Quảng Cáo, bạn bỏ tiền ra và nó sẽ cho bạn biết kết quả luôn là lời, hay lỗ bao nhiêu. Nhưng với SEO, để một dự án lên TOP cần mất khá nhiều thời gian. Nếu là Blog/website mới tinh thì ít nhất cần 2,3 tháng thậm chí 5 đến 6 tháng.
SEO giúp tối ưu chi phí tìm kiếm khách hàng. Nếu vế trước mình nói SEO là khoản đầu tư dài hạn thì giờ đây, sau khi SEO đủ, nó sẽ giúp bạn tối ưu được kinh phí tìm kiếm khách hàng.
Nếu như so với việc bỏ tiền ra chạy Quảng Cáo, hôm nào bạn bỏ tiền thì bạn tiếp cận được khách hàng mới, hôm nào bạn không bỏ thì không có. Nhưng với SEO thì khi bạn đã lên TOP thì mỗi ngày mới bạn sẽ tiếp cận được khá nhiều khách hàng tiềm năng mới.
Mặc dù bạn vẫn phải thực hiện một vài nỗ lực để giữ TOP, nhưng theo mình nghĩ nó khá tối ưu so với việc hôm nào bạn cũng phải chạy Quảng cáo mới có khách hàng.
III. Công cụ tìm kiếm và SEO hoạt động như thế nào?
Những người làm SEO luôn nỗ lực thực hiện các công việc nhằm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm mà họ đang muốn Blog/website của họ được xếp hạng. Đó có thể là Google, Bing, CocCoc,….
Mà mỗi công cụ này, các nhà phát triển của họ lại xây dựng các thuật toán khác nhau để giúp người dùng tìm kiếm được chính xác những gì người dùng cần tìm.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về cách hoạt động của Google tại bài viết này của chính Google nhé.
IV. Quy trình SEO Website/Blog cơ bản hiệu quả
Bạn là người mới, và bạn đang cảm thấy hoang mang trước những thông tin, kiến thức khổng lồ, từ cơ bản đến nâng cao.
Đừng lo lắng, ngay dưới đây mình sẽ phác thảo lại quy trình SEO cơ bản một cách hệ thống để bạn có thể dễ dàng quan sát hơn.
- Nghiên cứu từ khóa
- Xây dựng nội dung
- Tối ưu Onpage
- Tối ưu Offpage
- Theo dõi, đo lường
- Tối ưu tỷ lệ chuyển đổi.
Nghiên cứu keywords (từ khóa): Việc nghiên cứu từ khóa sẽ giúp bạn biết được khách hàng tiềm năng của bạn đang tìm kiếm điều gì, điều gì đang khiến họ bối rối.
Bạn có thể sử dụng kết hợp nhiều công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí hoặc trả phí như: Google keyword planner, Ahrefs, Keywordtool.io, Google Trend.
Xây dựng nội dung: Sau khi đã nghiên cứu được danh sách từ khóa cho Blog/website của bạn điều cần làm tiếp theo là tiến hành sản xuất và đăng tải nội dung đó trên website của bạn.
Tối ưu Onpage: SEO Onpage là tiến hành tối ưu các việc ở bên trong website của bạn như: trải nghiệm người dùng, tối ưu mật độ từ khóa, các thẻ Heading, Meta Description, kiểm soát nội dung về chính tả, cách trình bày, tối ưu hình ảnh,….
Tối ưu Offpage: Xây dựng và nỗ lực tạo, trao đổi hệ thống Backlink để tạo được độ uy tín cho website, URL cần SEO; thúc đẩy cho Blog/website có được sự uy tín trong cả mắt người dùng và cả công cụ tìm kiếm.
Theo dõi, đo lường kết quả: Việc theo dõi tiến độ, đo lường các kết quả trước đó sẽ giúp bạn có đủ dữ liệu để đánh giá, và nhìn nhận vấn đề để cải tiến, thay đổi nếu có trong tương lai. Bạn có thể sử dụng công cụ Search Console và Analytics của Google để hỗ trợ bạn làm điều này.
Nếu bạn vẫn chưa biết Google Search Console là gì, hay Google Analytics là gì. Bạn có thể nhấp vào đường dẫn mà mình vừa bôi xanh để hiểu thêm hơn nhé.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên sử dụng các công cụ phân tích website (Audit website) để giúp bạn nắm được đâu là hạn chế, ưu điểm của Blog/website bạn. Một số công cụ mà mình thường dùng đó là: Screaming Frog, Ahrefs.
Tối ưu tỷ lệ chuyển đổi (CRO): Mục đích sau cùng của SEO vẫn là doanh thu. Vì thế quá trình tối ưu tỷ lệ chuyển đổi cũng cần được nỗ lực tối ưu.
V. Một số hạn chế của SEO
Chúng ta thường bàn về lợi ích của SEO, nhưng không phải vì thế mà nó không có điểm trừ. Chẳng hạn như thời gian đầu tư lâu, đối thủ cạnh tranh mạnh, sự thay đổi của công cụ tìm kiếm. Cụ thể:
5.1. SEO đòi hỏi cần thời gian đầu tư dài hạn
Như ở phía trên bài viết mình đã nhắc đến SEO cần thời gian đầu tư lâu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí cơ hội trong kinh doanh.
Phải thừa nhận với nhau rằng để có được kết quả từ SEO chỉ trong một, hai ngày là điều không thể. Để đưa Blog/website lên TOP đầu của công cụ tìm kiếm cần rất nhiều thời gian, và nỗ lực. Vì thế, mình nghĩ rằng SEO không phù hợp nếu như bạn đang muốn thu hồi vốn nhanh.
5.2. Đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh hơn
Cạnh tranh là điều tất yếu trong kinh doanh. Với những lợi ích mà SEO mang lại, có rất nhiều doanh nghiệp lớn, hay những ông trùm với nhiều kinh nghiệm thương trường không ngừng triển khai SEO.
Mình nói vậy không phải để những bạn mới cảm thấy nản lòng. Mà ngược lại, trước điều đó, bạn hoàn toàn có thể không ngừng nỗ lực học hỏi, xem thêm các kiến thức về SEO từ cơ bản đến nâng cao để nâng cao khả năng của mình.
Xem thêm: Học SEO Website cho người mới bắt đầu
5.3. Sự thay đổi liên tục của công cụ tìm kiếm
Công cụ tìm kiếm vẫn luôn không ngừng cập nhật để tối ưu hơn, để phục vụ người dùng ngày một tốt hơn.
Nếu bạn nằm vùng trong các hội nhóm, bạn có thể thấy mọi người vẫn thường bàn tán rất rôm rả mỗi khi Google có đợt update. Sau mỗi đợt update khá nhiều Blog/website đã bị Google cho ra khỏi kết quả tìm kiếm.
Như vậy, ở bài viết này mình đã chia sẻ góc nhìn của mình về Seo là gì trong marketing, lợi ích, hạn chế của SEO cũng như giới thiệu đến bạn quy trình SEO cơ bản. Hy vọng chia sẻ trên này sẽ giúp cho những người mới có góc nhìn rõ ràng hơn.
Và nếu như bạn có những chia sẻ khác, góc nhìn khác về SEO thì hãy để lại góp ý bằng cách để lại bình luận ở bên dưới bài viết này nhé. Và đừng quên ghé thăm Tôi Thích Blog thường xuyên để đọc những chia sẻ từ mình về viết blog kiếm tiền, về SEO, hay Digital Marketing.
Xin chào đằng ấy, cảm ơn bạn đã ghé thăm Blog của mình. Mình là Vi Điệp, thích viết lách, đọc sách, ưa dịch chuyển. Mình cũng đam mê khám phá những màu sắc trong thế giới của Blog, MMO, Digital Marketing. Hãy ghé thăm Blog của mình thường xuyên để được đọc thông tin thú vị nhé.
Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích, hãy mời Điệp một tách cafe online tại đây nhé